Theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu tai nạn, Đại học Monash, Melbourne, Australia cho thấy, những phương tiện được trang bị đèn chạy ban ngày (Daytime Running Light - DRL) có khả năng tránh các va chạm do sự thiếu quan sát của chủ xe khác cao hơn so với những phương tiện không được gắn trang bị này.
Đèn chạy ban ngày (đèn định vị) là loại đèn tích hợp trên cụm đèn chính của xe, bật sáng khi xe khởi động, Mục đích chủ yếu dùng để tăng độ nhận diện của ôtô vào ban ngày. Phần đèn chạy ban ngày được tự động hóa, để người lái xe không cần quá quan tâm đến việc bật hay tắt.
Nghiên cứu sử dụng các dữ liệu của cảnh sát để ước tính hiệu quả của đèn ban ngày trong việc giảm nguy cơ tai nạn khi trời sáng. Trong 119.606 vụ va chạm có thương vong, có 11.013 vụ va chạm có phương tiện được trang bị đèn chạy ban ngày.
Kết quả cho thấy, xe trang bị đèn chạy ban ngày có thể giảm thiểu tỷ lệ gặp tai nạn với xe khác trung bình 8,8%. Thậm chí, mức giảm thiểu tai nạn còn cao hơn khi xe chạy tốc độ cao trên 75 km/h (13,8%), hoặc khi trời nhập nhoạng tối (20,3%), tức chưa tối hẳn để đèn chính hoạt động, mà chỉ có đèn chạy ban ngày bật. Nếu trời nhập nhoạng tối và xe di chuyển tốc độ trên 75 km/h, tỷ lệ giảm thiểu tai nạn của đèn chạy ban ngày lên lến 23,8%.
Ở nhiều khu vực trên thế giới, đèn chạy ban ngày là bắt buộc trên xe. Vào năm 1972, Phần Lan bắt buộc người lái xe phải sử dụng đèn chạy ban ngày ở vùng nông thôn, đường có tuyết trong mùa đông.
Năm 1977, Thụy Điển cũng ban hành lệnh tương tự, nhưng được mở rộng cho mọi phương tiện tại nơi đây. Na Uy, Iceland và Đan Mạch lần lượt đưa ra luật về đèn chạy ban ngày vào các năm 1986, 1988 và 1990.
Châu Âu bắt buộc các xe bán ra phải được trang bị đèn chạy ban ngày vào năm 2011. Dần dần, đèn chạy ban ngày trở thành trang bị quen thuộc trên các mẫu xe mới hiện nay, ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.
(Nguồn: https://vnexpress.net/oto-co-den-ban-ngay-it-bi-tai-nan-hon-4593919.html )